Không nơi đâu như ở nhà mình

Không nơi đâu như ở nhà mình

Những ngày có tiết dạy trong trường, cứ hết giờ là tôi chạy về nhà, cho dù trời nắng hay mưa.

Mấy đồng nghiệp nhà xa rủ tôi ở lại cho vui. Trường có phòng nghỉ gắn máy lạnh, có giường gối đàng hoàng. Nhưng tôi phải về’, không phải vì nhà tôi gần. Tôi phải về’, để lấy thuốc cho cha tôi uống đúng giờ, vì nhà có con mèo phải cho ăn cơm. Và tôi muốn ăn những bữa cơm gia đình nữa.

Về sau này, em tôi làm giám thị. Trưa nó phải ở lại trường (thời gian nghỉ giữa khối lớp học buổi sáng và buổi chiểu quá sát nhau). Bây giờ, đến lượt thằng con của em đi làm, trưa cũng ở lại cơ quan (giờ nghỉ chỉ có một tiếng). Còn tôi vẫn về nhà, một mình với con mèo. Đó là một con mèo giống chó nhiều hơn. Nó biết nhận ra tiếng xe của chủ giữa bao tiếng xe trong xóm, để nó chạy ra cửa ngheo ngheo mừng chủ đã về. Đang nằm thở rừ rừ bên cạnh chủ, nghe một tiếng động nhỏ nó cũng đứng dậy, đi ra cửa xem xét, có khi nằm luôn tại cửa như để’ canh chừng. Về chuyện vệ sinh, nó biết chạy vào nhà cầu. Tất nhiên là nó không biết leo lên bồn cầu, xả nước, nhưng nó “đi” đúng một chỗ, chủ nhà chịu khó hốt dọn là gọn gàng, sạch sẽ.

Ở nhà mình tôi thấy dễ chịu, an tâm. Dần dần tôi lười ra khỏi nhà nếu không có chuyện cần thiết, cần kíp. Đi du lịch vài ngày tôi cũng ngại. Sợ không ai coi nhà. Sợ nhà dơ vì không quét không lau. Sợ tới lúc mình về phải dọn dẹp cực thân.

Trời mưa to dai dẳng, tôi sợ nhà bị thấm nước, ẩm ướt, hư hao. Trời nắng nóng gắt gao, sờ tay lên vách tường nghe hôi hổi, tôi xót xa lo nhà bị tróc vôi, bong nước sơn. Lau nhà nhiều quá, tôi sợ mất lớp men tráng mỏng trên gạch rồi nghĩ đến sử dụng sản phẩm kính cường lực thay thế… Nói chung là tôi sợ nhà mình bị xấu, bị trầy xước, bị hư hao.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi, chắc là mình tiếc của? Rồi tự trả lời, không phải đâu.

Khi người ta tự hào kể về mình, về cha con, chồng vợ, anh chị em của mình, không ai quên nhắc tới cái nhà. Nhà là cái

chứa đựng, gắn kết những con người ấy với nhau. Nó che chở họ suốt ngày, suốt đời. Và những khi có niềm vui vỡ òa hay nỗi buồn giằng xé, họ chỉ muốn chạy về nhà để cười, để’ khóc. Nhà là nơi trú ẩn an toàn nhất bởi mình có những vòng tay tận tụy chở che. Nhà của mình, mình muốn cho ai vào là cho, không cho thì đóng cửa, bấm khóa. Dù to hay nhỏ, ở khuất sâu trong con hẻm quanh co, hay ngạo nghễ vươn cao bề thế ở mặt tiền đường cái xe cộ lướt qua không ngớt, cái nhà vẫn được chủ nhà trân trọng, thân tình khi kể về nó. Từ cái bậc thềm tới cái cửa sổ, từ bàn bếp tới kính ốp bếp đến cái phòng tắm… chỗ nào cũng thể hiện tâm huyết của chủ nhà khi xây dựng, chỗ nào cũng ghi dấu biết bao kỷ niệm gia đình.

Cái nhà của tôi cũng vậy. Nó lớn lên cùng tôi, cho tôi một mái gia đình, mặc dù nó thường xuyên bị dột vào mùa mưa, mà không tránh được do nóc nhà hai bên hàng xóm cao hơn, nước mưa cứ vô tư tràn xuống. Nó qua một lần sửa chữa, rồi bị đập bỏ, xây lại thành một căn nhà mới, hoàn toàn lạ lẫm, không còn vương chút gì của nhà cũ.

Trong căn nhà này, những người thân thuộc của tôi ăn uống, nói cười, coi ti vi, đọc báo, giận nhau, đau bệnh… Không nơi đâu như ở nhà mình, tôi được hưởng tất cả niềm vui cũng như chịu đựng biết bao đau đớn. Tôi thi đậu. Những đứa cháu được sinh ra. Đồ nghề kiếm sống của cả nhà bị dẹp bỏ, bán ve chai. Những người thân lần lượt qua đời.

Đôi khi, tôi ngồi lặng trên một bậc thang nào đó vững chắc, mát lạnh mà nhớ cha tôi, cả đời chưa được ở nhà lầu. Có lúc, tôi đứng thẫn thờ trên sân thượng nắng gió tràn trề, nhớ đứa em vắn số cứ hoài ao ước có một khoảnh sân để’ trồng cây, tưới nước, uốn cành, bắt sâu. Và khi bước qua mọi chỗ trong nhà, tôi nhớ chị tôi đã gom góp gởi tiền về phụ giúp mới cất được căn nhà đẹp.

Biết bao nhiêu đó, trách chi tôi dám nói thương cái nhà của mình!

Đánh giá: